Không chỉ là chuyện 'thu hồi'

27/07/2021, 17:12

Câu chuyện ban hành văn bản trái luật đã xảy ra rất nhiều, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn chưa có cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản trái luật.

Bộ Y tế vừa có Văn bản số 5967/BYT-YDCT ngày 26/7 về việc thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT gửi các đơn vị là Sở Y tế, các bệnh viện, cơ sở kinh doanh dược liệu cổ truyền trong cả nước. Lý do thu hồi được nêu ra vỏn vẹn trong mấy chữ: “Do có một số nội dung chưa phù hợp nên Bộ Y tế thu hồi công văn này”.

Điều đáng ngạc nhiên, đó là việc Văn bản bị thu hồi kia mới được 2 ngày tuổi. Cụ thể, ngày 24/7 Bộ này ban hành Công văn 5944 đưa rõ tên sản phẩm, nhà sản xuất 26 sản phẩm là nước súc miệng, xịt khuẩn, phòng và hỗ trợ điều trị, nâng cao sức khỏe bệnh nhân Covid-19. Kèm theo nội dung Công văn 5944, đó là danh sách hội đồng tư vấn gồm có 7 vị là lãnh đạo Bộ, các bệnh viện có học hàm, học vị.

Trong số 26 sản phẩm này, chủ yếu do 5 đơn vị sản xuất, có những sản phẩm của các đơn vị do các chuyên gia trong hội đồng tư vấn đang làm lãnh đạo trực tiếp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe không được kê đơn, chỉ được "tư vấn". Tuy nhiên, hướng dẫn của Bộ Y tế lại ghi rõ tên sản phẩm để các bệnh viện "tham khảo lựa chọn đấu thầu, mua sắm". Đây có phải là một hình thức "chỉ định thầu"?.

Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Chính phủ đang cố gắng bằng mọi biện pháp ngoại giao vaccine để có vaccine tiêm cho toàn dân, Công văn của Bộ Y tế tưởng chừng như làm cho dân chúng được cậy nhờ bởi phương pháp “cây nhà lá vườn” trong điều trị căn bệnh này. Nhưng lợi chưa thấy đâu, chỉ thấy khi có Công văn 5944, giá một trong những sản phẩm này đã tăng cả triệu đồng 1 hộp, dân chúng được một phen “rúng động” bởi sự thần kỳ của các loại sản phẩm này.

Ở đây, chúng ta không bàn đến câu chuyện “bắt tay” làm giá hay có những “khuất tất” phía sau Văn bản này. Bởi, “nói phải có sách, mách phải có chứng”.

Cái mà chúng ta bàn đến ở đây đó là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc ký ban hành. Việc ban hành một văn bản pháp luật được thực hiện qua rất nhiều khâu, với nhiều công đoạn kiểm duyệt chặt chẽ. Hơn nữa, để có Công văn 5944, Bộ Y tế đã có một hội đồng với những người có chuyên môn rất sâu trong lĩnh vực này, và có cả một Vụ Pháp chế với những người am hiểu pháp luật. Nói chung, cả về chuyên môn và pháp lý đều đủ cả, nhưng tại sao lại thu hồi ngay mà không một lời giải thích cặn kẽ?.

Đấy là chưa kể, việc ban hành văn bản trên còn có dấu hiệu trái luật khi đưa các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe vào danh mục để các bệnh viện tham khảo, mua sắm.

Cũng thật tình cờ, cách hơn 1 năm, ngày 29/4/2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đã ban hành Quyết định số 473/QĐ-TCDL về việc Hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn tại các doanh nghiệp lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Trong đó cấm cán bộ, hướng dẫn viên, nhân viên, khách du lịch, khách sử dụng dịch vụ du lịch và khách đến liên hệ, làm việc với cơ sở kinh doanh du lịch không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch bệnh tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, ngay sau đó, ngày 01/5, lại chính vị Tổng cục trưởng đã cấp tốc ký quyết định hủy bỏ quy định trên. Sự việc lại cũng “rơi” vào im lặng, không ai chịu trách nhiệm.

Về việc này, nhiều đại biểu Quốc hội và Luật sư cho rằng, việc ban hành văn bản pháp luật trải qua những công đoạn rất nghiêm ngặt, không phải chuyện “thích thì ban hành”, gây hoang mang cho dư luận. Và chính người có trách nhiệm này cũng cho rằng, người đặt bút ký quyết định phải là người chịu trách nhiệm chính, sau đó đến những bộ phận liên quan.

Câu chuyện ban hành văn bản trái luật đã xảy ra rất nhiều, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, các bộ, ngành, địa phương bước đầu phát hiện 122 văn bản trái nội dung, thẩm quyền. Tuy nhiên, vẫn chưa có cá nhân nào chịu trách nhiệm về việc ban hành văn bản trái luật. Có lẽ, một phần ở Việt Nam chưa có tòa án hiến pháp nên việc xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái với hiến pháp, trái với luật chưa được thực hiện theo thủ tục tố tụng. Hiện nay, việc xem xét các văn bản quy phạm pháp luật trái luật, trái với hiến pháp được xem xét theo thủ tục hành chính và việc xem xét trách nhiệm của cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những khó khăn, hạn chế.

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Ưu tiên xây dựng mới, bổ sung các đạo luật ở các lĩnh vực trọng điểm có ý nghĩa then chốt, có tính khả thi cao, tạo sự bứt phá về phát triển kinh tế-xã hội”.

Trong thời điểm Quốc hội khóa XV đang họp bàn những vấn đề kinh tế-xã hội mang tính lịch sử; việc cải cách tư pháp, trách nhiệm người đứng đầu được đưa ra bàn luận sôi nổi, thẳng thắn. Đồng thời, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, cả hệ thống chính trị, Chính phủ và toàn dân đang nỗ lực hết mình đẩy lùi dịch bệnh thì sự “vô cảm, thiếu trách nhiệm” của một bộ phận cán bộ chủ chốt của Bộ Y tế thể hiện qua việc ban hành văn bản trái luật, gây hoang mang dư luận thiết nghĩ cần phải được xem xét, xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư.

ĐỨC SƠN

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 14:08 27/07/2021

Nguồn