Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: Vị thế 70 năm và nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới

01/12/2023, 09:30

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập (02/12/1953), Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu đã có cuộc trao đổi về những thành tựu to lớn và giải pháp căn bản đặt ra đối với những yêu cầu, nhiệm vụ mới trong tình hình hiện nay.

 

Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam: Vị thế 70 năm và nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn mới- Ảnh 1.

Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu - Ảnh: VGP

Phát triển ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới

Ông Phan Chí Hiếu cho biết: Có thể nói, trong suốt 70 năm qua, với sự cống hiến không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức, người lao động, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã tạo dựng được vị thế là một trung tâm khoa học xã hội hàng đầu của đất nước; đặt những nền tảng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn của nước nhà, có những đóng góp đáng kể vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh.

Nhằm phát triển Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong giai đoạn mới, xin ông cho biết Viện đang tập trung vào các mục tiêu cơ bản nào?

Ông Phan Chí Hiếu: Ngay từ đầu năm 2023, Viện Hàn lâm đã chủ động xây dựng Đề án Chiến lược phát triển Viện Hàn lâm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thủ tướng xem xét, thông qua trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Ngày 24/11/2023, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới đã xác định nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và nguồn lực để phát triển hai Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm Khoa học thành các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trọng điểm, ngang tầm các nước tiên tiến và giao nhiệm vụ cho Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo xây dựng các Đề án tăng cường năng lực cho hai Đại học Quốc gia và hai Viện Hàn lâm Khoa học.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Viện Hàn lâm xác định mục tiêu tổng quát là phát triển Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu trọng điểm về khoa học xã hội và nhân văn, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, là cơ quan nghiên cứu lý luận và tham mưu chiến lược, tư vấn chính sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học quan trọng cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cơ sở đào tạo đại học và sau đại học đạt trình độ tiên tiến tại khu vực và trên thế giới, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học xã hội cho đất nước.

Với mục tiêu tổng quát nêu trên, Viện Hàn lâm xác định một số mục tiêu cụ thể, trong đó có hai mục tiêu xuyên suốt là: Nâng cao toàn diện chất lượng nghiên cứu khoa học cơ bản, với các chương trình, đề án nghiên cứu lớn, quan trọng; tạo chuyển biến mạnh trong chất lượng các sản phẩm khoa học như các đề tài, dự án nghiên cứu, các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn khoa học, các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành, từng bước tiệm cận và tiến tới đạt chuẩn mực quốc tế.

Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu để cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch cho Đảng và Nhà nước; thực hiện các khảo sát chuyên sâu, công bố các báo cáo nghiên cứu có giá trị khoa học lớn, các đánh giá, dự báo tình hình có giá trị thực tiễn và định hướng chính sách cao; tích cực tham gia tổng kết quá trình Đổi mới của đất nước, nghiên cứu các lý thuyết, mô hình, kinh nghiệm phát triển của các nước trên thế giới, góp phần giải quyết hiệu quả các mối quan hệ lớn đặt ra trong quá trình Đổi mới; cung cấp luận cứ cho việc xây dựng chiến lược, lộ trình, bước đi cho Việt Nam trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Tạo chuyển biến căn bản, toàn diện công tác đào tạo cán bộ nghiên cứu khoa học trình độ cao trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước; gắn kết chặt chẽ hoạt động đào tạo với nghiên cứu khoa học để phát huy thế mạnh của Viện Hàn lâm trong nghiên cứu khoa học, hướng tới mục tiêu và góp phần hình thành giới nghiên cứu tinh hoa của đất nước trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn.

Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động, đáp ứng nghiên cứu lĩnh vực trọng điểm

Là một cơ quan nghiên cứu khoa học xã hội đầu ngành của cả nước, để đáp ứng những nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, Viện đang thực hiện những giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, thách thức trong những năm tới, thưa ông?

Ông Phan Chí Hiếu: Để đạt được mục tiêu nêu trên, Viện Hàn lâm sẽ tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ hệ thống tổ chức và cơ chế quản lý của Viện Hàn lâm theo hướng hiện đại; đảm bảo cơ cấu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, nhất là các lĩnh vực nghiên cứu trọng điểm, thuộc thế mạnh của Viện Hàn lâm, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển phổ quát trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trên thế giới.

Hai là, ban hành, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam với định hướng tập trung xây dựng đội ngũ các nhà nghiên cứu có trình độ chuyên môn cao, phương pháp nghiên cứu tiên tiến, đặc biệt là đội ngũ các chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học; quan tâm, tạo điều kiện phát triển các nhà khoa học trẻ để xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học, quản lý khoa học kế cận.

Ba là, tạo môi trường làm việc dân chủ, đoàn kết, nghĩa tình, môi trường học thuật liêm chính, tôn trọng tự do học thuật; đánh giá khách quan, công bằng để ghi nhận, tôn vinh, tạo cơ hội phát triển cho những cán bộ có năng lực và có nhiều đóng góp. Xây dựng, tổ chức các diễn đàn khoa học thường niên và theo chủ đề để trao đổi học thuật, ươm trồng, phát triển các ý tưởng khoa học mới; tích cực tham gia tổ chức các diễn đàn khoa học chuyên nghiệp để tư vấn, phản biện các cơ chế, chính sách, pháp luật và một số dự án phát triển kinh tế, xã hội lớn.

Bốn là, tiếp tục phát triển hoạt động hợp tác về nghiên cứu khoa học, không chỉ với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo của nước ngoài, các thiết chế quốc tế mà còn cần tăng cường quan hệ hợp tác trong nghiên cứu khoa học với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương.

Năm là, tập trung đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật, thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ trong quản lý nội bộ và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu; kết nối, chia sẻ dữ liệu, kết quả nghiên cứu, hình thành hệ thống thông tin, tư liệu, thư viện hiện đại đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Chấp nhận rủi ro để các nhà khoa học nghiên cứu các vấn đề mới, khó, phức tạp

Thưa ông, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Viện có những đề xuất, kiến nghị gì nhằm đổi mới cơ chế quản lý và chính sách đối với hoạt động khoa học xã hội thời gian tới?

Ông Phan Chí Hiếu: Để giải quyết các vướng mắc và đổi mới chính sách, cơ chế quản lý đối với hoạt động khoa học xã hội thời gian tới, ngày 19/9/2023, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam đã có Báo cáo số 2002/BC-KHXH rà soát các quy định pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gửi Thủ tướng Chính phủ. Có thể đề cập đến một số đề xuất, kiến nghị lớn sau đây:

Thứ nhất, kiến nghị trong thực hiện chủ trương tinh giản biên chế xác định rõ chính sách tinh giản biên chế theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW là hết sức đúng đắn. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách này một cách "cơ học" đối với tất cả các cơ quan, đơn vị mà không tính đến một số lĩnh vực đặc thù cần được ưu tiên bố trí biên chế là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nòng cốt tạo ra sự phát triển bứt phá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đội ngũ người làm công tác nghiên cứu khoa học, nhất là trong các tổ chức khoa học công nghệ khu vực công là đội ngũ lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm nghiên cứu khoa học.

Thứ hai, kiến nghị về áp dụng chế độ, chính sách về chế độ tiền lương, phụ cấp, ưu đãi đặc thù và một số điều kiện đảm bảo đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, nhất là người có tài năng. Các nhà khoa học nên được miễn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu thành lập và sử dụng có hiệu quả "Quỹ nhân tài cho nghiên cứu khoa học" để khuyến khích nhân tài phát triển, cống hiến, sáng tạo, gắn bó, đồng hành cùng tổ chức, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nhân tài vì sự nghiệp chung.

Thứ ba, cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là Luật Khoa học và công nghệ, Luật Ngân sách nhà nước để tạo cơ chế thông thoáng hơn, tháo gỡ các rào cản về hành chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học, như cần bổ sung quy định cho phép lập dự phòng trong xây dựng dự toán để có thể thực hiện các nhiệm vụ khoa học đột xuất theo đặt hàng của các cơ quan nhà nước; đổi mới quy trình lập, xét duyệt, giao dự toán theo sản phẩm khoa học "đầu ra" để vừa đảm bảo cho người sử dụng ngân sách quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và chủ động trong việc sử dụng tài chính, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý tài chính các cấp quản lý tài chính chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả; chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học để các nhà khoa học mạnh dạn thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề mới, khó, phức tạp.

Thứ tư, kiến nghị xây dựng cơ chế thuận lợi để thực hiện tốt hoạt động nghiên cứu phục vụ tư vấn chính sách, trong đó kiến nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hữu quan quan tâm đặt hàng các vấn đề cần nghiên cứu để cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ hoạt động hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật.

Lê Sơn (thực hiện)

Theo Báo Điện tử Chính phủ 

Ngày đăng: 30/11/2023  09:25

Nguồn