“Nghĩ về kiến trúc” của KTS.Nguyễn Văn Cường

18/06/2021, 11:06

Trân quý lao động sáng tạo của KTS.Nguyễn Văn Cường, tôi xin giới thiệu cuốn sách "Nghĩ về kiến trúc" của ông và coi đó là những lời tự sự của tác giả về tình yêu và trách nhiệm của ông với quê hương, hy vọng tươi sáng của những công trình kiến trúc mà ông và Hội kiến trúc sư của ông đã và đang làm sẽ ngày thêm lung linh, khởi sắc.

Gs.Ts.Kts Nguyễn Quốc Thông trong lời giới thiệu cho cuốn sách "Nghĩ về kiến trúc" do Nhà Xuất bản Xây Dựng vừa phát hành của KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên có đoạn: 'Sự trân quý văn hóa kiến trúc bản địa cùng mong muốn phát huy tốt nhất những giá trị ấy trong việc góp phần tại dựng kiến trúc Thái Nguyên hôm nay vừa hiện đại, vừa nhân văn luôn là sự trăn trở suốt hành trình sống và làm nghề của Kts Nguyễn Văn Cường. Cuốn Nghĩ về kiến trúc là tập hợp những ghi chép đầu tiên về cảm nhận giá trị văn hóa kiến trúc truyền thống, về những suy nghĩ, trăn trở trong quá trình làm nghề…'.

Cuốn sách Nghĩ về kiến trúc do Nhà Xuất bản Xây Dựng vừa phát hành của KTS Nguyễn Văn Cường.

Còn tôi đã đọc, đọc mải mốt, đọc trách nhiệm vì sách về lĩnh vực này nào đã có mấy cuốn ở dạng chuyên ngành và lĩnh vực hàn lâm này còn xa lạ, cho dù T.P Thái Nguyên cũng cận kề tuổi 60. Vẫn biết kiến trúc là một bộ môn nằm ở gianh giới mỏng manh giữa một bên là nghệ thuật, một bên là kỹ thuật nhưng nó không hề là góc khuất mà hiển hiện trong đời sống hằng ngày. Hơn cả thế, chính kiến trúc là thước đo trí tuệ của người quản lý, sự sang hèn của một địa phương… Cho nên Nghĩ về kiến trúc theo tôi là một sự mở ra hay nói khác đi là sự chấm phá về nhận thức, nó lâu dài chứ không chỉ nằm ở 164 trang viết của Kts Nguyễn Văn Cường.

Ở phần I- có tên: Bàn thêm về quy hoạch đô thị, tác giả nêu cả thảy 13 vấn đề. Nói bàn thêm tức là đã từng bàn mà chưa thấu. Cho nên tác giả nêu các ý kiến về Tầm nhìn, ước mong về T.P Thái Nguyên, đô thị Thái Nguyên cần gì? Sự lãng mạn trong quy hoạch xây dựng, bài toán nào cho quy hoạch T.P Thái Nguyên, mô hình Trung tâm hành chính tập trung, cầu qua sông Cầu - Động lực phát triển bền vững của T.P thái Nguyên, xây dựng thành phố thông minh vv… Với một người mấy chục năm theo ngành xây dựng ở một tỉnh, hiểu chân tơ kẽ tóc cái thuận và cái khó của nghề, nhất là sự lãng mạn, thăng hoa của nghệ sỹ tạo hình và độ nén của lò so cơ chế và quyền lực…

KTS Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch Hội KTS Thái Nguyên.

13 vấn đề tác giả đưa ra và phân tích đều cho ta thấy trách nhiệm và sự tâm huyết. Đề cao quy hoạch cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh sự tùy hứng trong phát triển đô thị. Tác giả cho người đọc thấy rõ và hình dung về một vùng đất bên sông Cầu thơ mộng, nếu được quy hoạch với tầm nhìn dài hơi của người có nghề và có trách nhiệm với quê hương, với lịch sử…

Phần II của cuốn sách có tên gọi: Bàn thêm về kiến trúc. Phần này sâu về lĩnh vực kiến trúc, gồm tới 15 câu chuyện, cũng là những đau đáu, trăn trở của ông về đời nghề. Thấp thoáng ở đó là kiến thức, là kỷ niệm, là kinh ngiệm của nghề.

Như là tự chuyện, nhưng đọc Nghĩ về kiến trúc lại thấy toát nên cái chung mà ai cũng nên biết: Khi xây nhà ta nên làm gì; phong thủy và kiến trúc nhà ở; thấm, ngấm, dột và thẩm mỹ công trình; bảo tồn di tích lịch sử công trình văn hóa vv…

Trân quý lao động sáng tạo của Kts Nguyễn Văn Cường, tôi xin giới thiệu cuốn sách và coi đó là những lời tự sự của tác giả về tình yêu và trách nhiệm của ông với quê hương, hy vọng tươi sáng của những công trình kiến trúc mà ông và Hội kiến trúc sư của ông đã và đang làm sẽ ngày thêm lung linh, khởi sắc./.

Theo http://sangtaovietnam.vn

Từ khóa: #kinhte # #sangtao