Đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng 7,8 triệu USD chi phí tư vấn giám sát

13/09/2021, 14:36

Tiến độ dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông kéo dài làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát khoảng 7,835 triệu USD nhưng bên cho vay không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, trong khi vốn đối ứng còn lại rất ít.

Ảnh minh họa.

Trong văn bản trả lời Bộ Tài chính việc sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, sử dụng vốn vay Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết do hợp đồng EPC dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không thể hoàn thành đúng tiến độ nên phải kéo dài thời gian thực hiện, làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát, cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.

Mặc dù vậy, nguồn vốn đối ứng của dự án còn lại rất ít. Trong khi Hiệp định vay bổ sung còn dư khoảng 26,421 triệu USD.

Vì vậy, Ban quản lý dự án đường sắt có văn bản báo cáo Bộ GTVT. Cuối tháng 04/2021, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc về việc sửa đổi khoản 1.7, điều 1 của Hiệp định vay bổ sung và xem xét, chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của hiệp định vay bổ sung.

Đến ngày 20/8/2021, Ban quản lý dự án đường sắt báo cáo Bộ GTVT là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc thông báo 02 nội dung đề nghị của Bộ GTVT nói trên đã được ngân hàng này trả lời tại thư ngày 16/3/2021.

Theo đó, "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận và không cần thiết phải sửa đổi điều 1.7 của Hiệp định vay" và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay".

Thực tế việc kéo dài tiến độ dự án khiến tăng chi phí các hợp đồng liên quan vẫn xảy ra tại nhiều dự án giao thông và xây dựng cơ bản vay vốn nước ngoài nói chung. 

Theo một chuyên gia, trong tình huống này thường sử dụng vốn dư của Hiệp định vay vốn nước ngoài hoặc vốn dự phòng, vốn đối ứng để chi trả phần chi phí tăng thêm.

Nhưng với các Hiệp định vay vốn nước ngoài dù chỉ điều chỉnh 01 điều khoản cũng thực hiện theo quy trình như ký một Hiệp định mới, nên thời gian làm thủ tục rất lâu. Do vậy, trường hợp không còn vốn đối ứng thường bố trí vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05 km, gồm 12 ga trên lộ trình: Cát Linh-La Thành-Thái Hà-Láng-ĐH Quốc gia-vành đai 3-Thanh Xuân-Bến xe Hà Đông-trung tâm Hà Đông-La Khê-Văn Khê-Bến xe Hà Đông mới và khu đề-pô tại Ba La (Hà Đông). Tuyến có 13 đoàn tàu (mỗi đoàn 04 toa), tuần suất hoạt động 04 đến 06 phút/lượt, tốc độ vận chuyển tối đa 80 km/giờ.

Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Đường sắt. Dự án được khởi công năm tháng 10/2011, có tổng mức đầu tư ban đầu 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD).

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 06 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH Giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Đến nay, dự án đã có một số lần chạy tàu thử nghiệm nhưng vẫn chưa thể chạy chính thức với nhiều lý do. Trong đó, quan trọng nhất là Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận nghiệm thu và cho phép dự án đi vào hoạt động.

TRẦN MINH

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 06:53  13/09/2021

Nguồn