Đoàn kết để khơi thông dòng chảy thương mại nông nghiệp

14/09/2021, 18:29

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần phải thay đổi tư duy phân chia vùng miền. Giờ là lúc lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất phải cùng ngồi lại với nhau gỡ rối cho thương mại nông nghiệp.

Đây là quan điểm được Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu lên tại Toạ đàm "Kết nối cung - cầu nông - thủy sản giữa các tỉnh, thành phố ĐBSCL và TPHCM" do Báo Người Lao Động tổ chức hôm nay (14/9).

Nhiều kinh nghiệm rút ra từ thương mại nông sản mùa dịch
 
Trong nhiều tháng qua, TPHCM và các tỉnh ĐBSCL đã chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Một trong những ảnh hưởng lớn nhất được nhiều đại biểu tại Toạ đàm cùng nêu lên là việc đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ các ngành hàng về nông, lâm, thuỷ sản.
 
Bà Đinh Thị Phương Thanh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết, Long An vào mùa tiêu thụ thanh long nhưng các cửa khẩu để xuất khẩu chính sang phía Trung Quốc đều đóng cửa. Các loại nông sản vụ Hè Thu cũng đến kỳ thu hoạch nhưng việc áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg  khiến vận chuyển, lưu thông hàng hóa bị ảnh hưởng rất lớn.
 
Trước tình hình đó, Long An triển khai đường dây nóng để gỡ vướng cho người dân và doanh nghiệp tiêu thụ nông sản. Bà Thanh chia sẻ: “Trong tuần đầu, chúng tôi tiếp nhận 300 cuộc điện thoại đề nghị tháo gỡ khó khăn mỗi ngày. Chúng tôi phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những tuần sau công việc đi vào nề nếp nên các cuộc gọi cũng ít đi”.

Nhiều loại hoa quả từ ĐBSCL đã lưu thông được trên các hệ thống phân phối thương mại cả nước - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Bà Thanh cho rằng, cần phải có sự linh hoạt trong chỉ đạo vì nhiều khi “giấy thông hành của Giám đốc Sở NN&PTNT ký không có hiệu lực bằng Trưởng ban chống dịch của một huyện”.
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng đưa ra nghịch lý khi nhiều địa phương có lúc nguồn cung rất dồi dào nhưng không thể tiêu thụ được, trong khi đó doanh nghiệp nội địa lại thiếu hụt hàng hoá nghiêm trọng.
 
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc đối ngoại Công ty Mega Market Việt Nam cho biết, hệ thống siêu thị Mega Market đang thiếu một số mặt hàng nông sản, thuỷ sản tươi cũng như thực phẩm chế biến đông lạnh, thực phẩm khô. 
 
Thời điểm mới áp dụng giãn cách xã hội, các hệ thống phân phối gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển hàng hoá đi ĐBSCL, tuy nhiên với sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ Công Thương, đến nay Mega Market Việt Nam đã không còn gặp khó khăn trong vận chuyển. 

"Chưa khi nào mối liên hệ giữa cơ quan nhà nước (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương) với doanh nghiệp lại gắn kết như hiện nay. Các tỉnh, thành phố ĐBSCL cũng rất nhiệt tình, năng động kết nối với các doanh nghiệp để cung ứng hàng hoá. Đặc biệt, Sở Công Thương TPHCM luôn sát cánh hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những vướng mắc, gần đây là hỗ trợ tiêm vaccine cho đội ngũ bán lẻ, shipper, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hoá thuận lợi nhất”, bà Nga nhìn nhận.
 
Cần đoàn kết để phát huy nội lực cả hệ thống
 
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, những ảnh hưởng của dịch trong thời gian qua đã giảm năng suất lẫn diện tích sản xuất, khả năng 3 tháng cuối năm nguồn nguyên liệu cho sản xuất sẽ thiếu hụt. “Vấn đề bây giờ là làm sao cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại tái khởi động sản xuất hiệu quả”, ông Lam bày tỏ. 
 
Về vấn đề này, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, kể cả trước dịch COVID-19, ĐBSCL vẫn luôn có những chính sách hỗ trợ cụ thể, khác biệt với các vùng khác. Đã có những nghị định riêng để giải quyết căn cơ về cơ chế ưu tiên, nguồn lực cho vùng. Ngành ngân hàng cũng đã có cơ chế giãn nợ, lãi với doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và chưa có điều kiện trả nợ. 
 
Ông Đào Minh Tú chia sẻ: “Cùng với 4 ngân hàng thuộc hệ thống nhà nước, chúng tôi cũng đã vận động được 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp mùa dịch, con số này ước tính khoảng 25.500 tỷ đồng và giải ngân được 8000 tỷ đồng, số còn lại sẽ tiếp tục giải ngân từ giờ đến cuối năm cho những doanh nghiệp khó khăn”.
 
Tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ: “Cần phải thay đổi tư duy phân chia vùng miền. Giờ là lúc lãnh đạo địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất phải cùng ngồi lại với nhau gỡ rối, chứ mỗi bên gỡ một cách lại rối thêm”.
 
“Không thể trông mong phép màu nào để vận hành một cách bình thường trong điều kiện không bình thường. Mục đích không phải là điều tiết để có thể vận hành được như trước đại dịch mà mục đích là tối thiểu hóa rủi ro cho nông dân, chính quyền, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Đỗ Hương

Theo Báo điện tử Chính phủ

Thời gian đăng: 15:12, 14/09/2021

Nguồn