Pháp nhân và sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại

26/09/2022, 14:01

Pháp nhân là chủ thể độc lập, có tài sản riêng và có các quyền, gánh vác nghĩa vụ khi tham gia quan hệ pháp luật. Pháp nhân ra đời nhằm đáp ứng điều kiện của đời sống xã hội và hoạt động lập pháp. Tuy nhiên, ngày càng phổ biến trong thực tế việc lợi dụng tư cách pháp nhân để lừa đảo, thực hiện các hành vi không phục vụ lợi ích của pháp nhân hoặc vi phạm pháp luật gây tổn hại đến các chủ thể khác.

Ảnh minh họa.

Khái quát về pháp nhân và tư cách pháp nhân

Cuộc sống xã hội không chỉ hình thành từ những hoạt động của các thể nhân riêng biệt, mà còn hoạt động của những nhóm, tổ chức, đoàn thể. Nhu cầu tạo ra thực thể pháp lý có tư cách chủ thể độc lập với thể nhân là một yêu cầu tất yếu đối với các hệ thống pháp luật của mỗi quốc gia. Những học thuyết pháp lý đã lý giải theo nhiều cách khác nhau về sự xuất hiện, phát triển của pháp nhân trong mối tương quan với các chủ thể quan hệ pháp luật khác. Và sự xuất hiện của pháp nhân "là sự tuân theo xu hướng nhân hóa những đoàn thể cá nhân hay các tập hợp tài sản này với những người thường và công nhận cho các thực thể ấy một nhân cách pháp lý gọi là pháp nhân"(1).

Thuật ngữ “pháp nhân” có nguồn gốc theo tiếng latinh nghĩa là một nhóm hoặc hội đồng người. Một thực thể thực hiện các hoạt động kinh doanh và là chủ thể có các quyền năng pháp lý xuất hiện từ thời La Mã cổ đại và đế chế Maya ở Ấn Độ cổ đại(2). Pháp nhân ra đời nhằm đáp ứng điều kiện của đời sống xã hội và hoạt động lập pháp.

Cho đến nay, mặc dù chưa có một định nghĩa chính xác nào về pháp nhân nhưng các quốc gia đều thừa nhận sự tồn tại của nó và có nhiều học thuyết pháp lý khác nhau để các quốc gia sử dụng làm cơ sở cho các quan điểm của mình về pháp nhân(3).

Pháp nhân là một thực thể, khác với một tự nhiên nhân, mà có đời sống đầy đủ trong sự dự liệu pháp lý rằng nó có thể thực hiện chức năng một cách hợp pháp, có thể bị kiện hoặc tha kiện và có thể quyết định thông qua các đại lý như trong trường hợp của các công ty. Các chủ thể quan hệ pháp luật chỉ bao gồm chủ thể là tự nhiên nhân (cá nhân) và chủ thể hư cấu pháp nhân tham gia các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của các quy định của pháp luật, của các nguồn pháp luật khác như án lệ, luật không thành văn. “Pháp nhân là một thực thể pháp lý bất kỳ được thiết lập hay tổ chức một cách hợp pháp theo luật áp dụng, bất kể vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và dưới hình thức sở hữu tư nhân hay Nhà nước, bao gồm mọi công ty, công ty tín thác, công ty hợp danh, liên doanh, doanh nghiệp một chủ hay hiệp hội”(4).

Khi nghiên cứu về pháp nhân, Pierre Pescatore định nghĩa: “Pháp nhân là một thực thể xã hội được thành lập vì mục đích tập thể được xác định, có sự tồn tại pháp lý tự thân và có đủ tư cách là chủ thể của các mối quan hệ pháp luật”(5).

Vai trò của pháp nhân có hai lợi ích cơ bản như: “Thứ nhất, việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được đơn giản hóa. Pháp nhân cho phép đơn giản hóa các quan hệ pháp luật. Thứ hai, việc hình thành pháp nhân làm cho đời sống pháp luật được ổn định lâu dài. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng. Thời gian tồn tại của một pháp nhân thường dài hơn cuộc sống của một con người”(6).

Ý nghĩa của sự ra đời pháp nhân là để bảo vệ tốt lợi ích chung của nhóm với những người có quan hệ, cùng mục đích liên kết với nhau, cũng như lợi ích của người thứ ba có quan hệ với nhóm, cần công nhận sự tồn tại độc lập của nhóm so với cá nhân. “Pháp nhân có thể hoạt động vì mục đích lợi nhuận hay phi lợi nhuận, và dưới hình thức sở hữu tư nhân hay Nhà nước. Khi hình thành, các của cải do các thành viên đóng góp hợp thành một khối tài sản tách biệt khỏi khối tài sản của các thành viên, và bằng một hư cấu pháp lý, khối tài sản này tạo nên một pháp nhân”(7).

Pháp luật hiện hành chia thành pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Nếu như mục tiêu chính của các pháp nhân thương mại là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận đó được chia cho các thành viên, thì ngược lại, pháp nhân phi thương mại không đặt ra mục tiêu này và nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Các đặc điểm nổi bật của pháp nhân được thể hiện:

Thứ nhất, pháp nhân là chủ thể quan hệ pháp luật độc lập: Pháp nhân là chủ thể quan hệ pháp luật có đầy đủ năng lực tham gia vào các quan hệ xã hội chịu sự điều chỉnh của pháp luật và phát sinh các quyền và nghĩa vụ pháp lý theo quy định pháp luật. Có thể thấy, không phải những người góp tài sản vào một tổ chức sẽ là đồng sở hữu chung, mà đã hình thành một thực thể là chủ sở hữu của tất cả các tài sản mà các hội viên đã góp vào, thực thể đó, khi tham gia các quan hệ pháp luật, với tư cách là chủ thể quan hệ pháp luật và chịu trách nhiệm pháp lý trên tài sản của nó.

Pháp nhân như là một thứ, một cái gì đó do lập pháp đặt ra; không nhìn thấy được, cũng chẳng sờ mó được; tuy nhiên, nó được làm một số việc giống như một con người bình thường và có trách nhiệm lẫn quyền lợi; nó có thể đi kiện người khác và bị người ta kiện, hay nói theo cách khác, pháp nhân được nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập. Muốn thế, nó phải có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, có tài sản độc lập và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản đó(8).

Sự hư cấu của pháp nhân có nhiều lợi thế, đặc biệt đối với quyền lợi của bên thứ ba trong quan hệ pháp luật. Khi bên thứ ba có tranh chấp với pháp nhân là một tổ chức sẽ không phải thực hiện việc khởi kiện từng thành viên của pháp nhân, mà chủ thể bị đơn trong trường hợp này là pháp nhân. Pháp nhân bảo đảm nghĩa vụ trả nợ bằng toàn bộ tài sản có được từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của pháp nhân. “Luật đáp ứng yêu cầu cần bảo vệ của nhóm bằng cách thừa nhận cho nhóm có tư cách chủ thể của quan hệ pháp luật. Nhóm được coi như có nhân thân của riêng mình, phân biệt với nhân thân của từng thành viên. Được nhân cách hóa, nhóm có khả năng tự mình thực hiện các quyền và nghĩa vụ, nghĩa là có năng lực hành vi, và có tài sản riêng bảo đảm cho việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ đó”(9).

Pháp luật Thái Lan quy định, khi tham gia các quan hệ pháp luật, “một pháp nhân được hưởng những quyền và có những nghĩa vụ tương tự như thể nhân, trừ những quyền và nghĩa vụ, vì tính chất của chúng, chỉ có thể dành cho hoặc mắc chịu bởi một thể nhân”(10). Tương tự, ở Nhật Bản quy định “pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ căn cứ các quy định của luật và pháp lệnh và căn cứ vào mục tiêu, phạm vi hoạt động như đã quy định trong các điều khoản thành lập”(11). Việc thành lập pháp nhân không thể được sử dụng chống người khác nếu như chưa được đăng ký ở nơi đặt trụ sở chính.

Thứ hai, tài sản của pháp nhân độc lập với tài sản của thành viên. Pháp nhân là một thực thể trìu tượng, được hư cấu, thể hiện tình trạng tách bạch về mặt tài sản của nó với tài sản còn lại của chủ sở hữu, người đã sáng lập ra nó(12).

Các tài sản của pháp nhân ban đầu được hình thành do các thành viên đóng góp hợp thành một khối tài sản riêng biệt với khối tài sản của các thành viên. Tài sản của pháp nhân với tài sản của thành viên tách biệt với nhau. Trong các quan hệ pháp luật, pháp nhân chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình, nhưng cũng chỉ bằng toàn bộ tài sản của mình mà thôi. Theo đó, pháp nhân không chịu trách nhiệm thay cho thành viên đối với nghĩa vụ dân sự do thành viên xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, còn thành viên thì không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do đại diện của pháp nhân xác lập, thực hiện vì lợi ích của pháp nhân.

Thứ ba, ý chí của pháp nhân được bày tỏ thông qua người đại diện. Người đại diện là người thay mặt, nhân danh pháp nhân thực hiện các giao dịch với đối tác, khách hàng và với cơ quan Nhà nước vì lợi ích của pháp nhân. Người đại diện cho pháp nhân với tư cách là nguyên đơn, bị đơn trong vụ kiện, tranh chấp thương mại... Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện, mỗi người đại diện phụ trách những hoạt động nhất định của pháp nhân và có quyền nhân danh pháp nhân trong hoạt động kinh doanh. Ý chí của một pháp nhân, như Điều 80, Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định “được bày tỏ thông qua những người đại diện của pháp nhân đó” và chịu sự ràng buộc trong phạm vi đại diện được giới hạn theo quy định của điều lệ và pháp luật.

Thuật ngữ “tư cách pháp nhân” trong các quy phạm pháp luật được hiểu là tư cách pháp lý được pháp luật công nhận cho một thực thể có khả năng tồn tại và hoạt động độc lập trước pháp luật. Mục đích của việc xác lập tư cách pháp nhân là việc tách biệt tài sản. Như vậy, “chỉ có những tổ chức thực hiện nguyên tắc tách bạch về mặt tài sản mới có được điều kiện quan trọng đầu tiên để trở thành pháp nhân”(13). Với tư cách là một chủ thể độc lập, pháp nhân được thụ hưởng các quyền và gánh vác các nghĩa vụ pháp lý chỉ ràng buộc đối với công ty, những người chủ của công ty sẽ không liên quan. Vì thế, ở nhiều quốc gia công nhận những học thuyết về tư cách pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn là nền tảng để xây dựng chế định pháp luật về pháp nhân.

Theo quan điểm hiện nay, tư cách pháp nhân của một tổ chức không liên quan vấn đề thành viên là cá nhân hay tập thể. Những tổ chức thực hiện nguyên tắc tách bạch về mặt tài sản mới có được điều kiện quan trọng đầu tiên để trở thành pháp nhân. Khi pháp nhân thực hiện nguyên tắc tách biệt về tài sản cũng là khi xuất hiện một tính pháp lý mới, tách biệt với tính pháp lý của chủ sở hữu hoặc cộng đồng sở hữu. Rõ ràng, tư cách chủ thể của pháp nhân được chứng minh là độc lập với các chủ sở hữu về mặt tài sản. Khi đó, các pháp nhân tham gia các quan hệ tài sản sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ pháp lý liên quan đến trách nhiệm về tài sản của pháp nhân.

Một công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tư cách pháp nhân sẽ “tạo nên một bức màn làm cho người ta không nhận thấy và không đếm xỉa đến những chủ thể quyền khác sinh sống và làm việc trong công ty có  tư cách pháp nhân. Cũng như những người ở trong nhà kính vẫn được người ngoài nhìn thấy, nhưng vẫn được bảo vệ tránh mọi xâm nhập từ bên ngoài, các hội viên được mọi người biết đến, nhưng tư cách pháp nhân của công ty đặt họ ra ngoài sự theo đuổi của các chủ nợ của công ty. Tính chất vừa mờ, vừa trong này gây ra những kẽ hở trên bức màn che”(14). “Bức màn che” được hiểu là sự tách biệt của chủ sở hữu khỏi một công ty về mặt trách nhiệm pháp lý. Để xuyên qua được bức màn che này, đòi hỏi cần buộc được các chủ sở hữu của công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm với công ty trong một số trường hợp(15).

Sự lạm dụng tư cách pháp nhân trong hoạt động thương mại

Lạm dụng tư cách pháp nhân được hiểu là các thành viên/cổ đông, người quản lý dựa vào tư cách pháp lý của pháp nhân để thực hiện các hành vi mang lợi ích cho cá nhân mình mà không phải lợi ích của pháp nhân, gây tổn hại cho pháp nhân, nhà đầu tư và các chủ thể khác. Bên cạnh đó, hành động lạm dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi hoặc vì lợi ích của các cổ đông nắm quyền kiểm soát. Các hành vi này vi phạm điều cấm hoặc không tuân thủ các quy định của pháp luật và điều lệ pháp nhân. Trong thực tiễn, có thể kể đến một số hành vi lạm dụng như:

Lạm dụng tư cách pháp nhân để huy động vốn. Thời gian qua, nhiều vụ việc có dấu hiệu vi lạm dụng tư cách pháp nhân để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật nhằm trục lợi cá nhân gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đến sự minh bạch của thị trường. Gần đây một số vụ việc đáng chú ý như: “Trong thời gian từ tháng 07/2021 đến tháng 03/2022, Đỗ Anh Dũng và các cá nhân tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã có hành vi gian dối, sử dụng 03 công ty thành viên gồm Công ty TNHH Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông và các công ty liên quan, phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỉ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu. Ngày 04/4/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã công bố thông tin hủy bỏ 09 đợt chào bán trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bởi  trái phiếu riêng lẻ”(16). Sự thiếu minh bạch của thị trường và việc thực thi thiếu hiệu quả các quy định pháp luật đã là cơ hội để các hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân của các công ty trở nên phổ biến nhằm gian dối, lừa đảo các nhà đầu tư - là những người thiếu thông tin, bị lôi kéo bởi những thông tin giả, không chính xác mà những người lạm dụng đưa ra.

Lạm dụng tư cách pháp nhân để thực hiện hoạt động không vì lợi ích của pháp nhân. Các cá nhân lạm dụng tư cách pháp nhân nhằm “tiến hành kinh doanh hoặc giao dịch khác không nhằm phục vụ lợi ích của công ty và gây thiệt hại cho người khác”(17). Người đại diện xác lập và thực hiện các giao dịch, hợp đồng nhưng không phục vụ lợi ích của pháp nhân, lợi ích của các chủ sở hữu pháp nhân. Các hoạt động của người đại diện có thể gây thiệt hại cho pháp nhân, chủ sở hữu, như việc sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của pháp nhân để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

Lạm dụng tư cách pháp nhân trong việc thành lập công ty con. Theo đó công ty con được thành lập với mục đích duy nhất là thực hiện một hoặc một số hoạt động để loại trừ rủi ro cho công ty mẹ. Các công ty mẹ - con được điều hành, quản lý bởi cùng chủ sở hữu, thậm chí là cùng những người quản lý. Vì thế, công ty mẹ sẽ luôn nhận được lợi ích kinh tế, trong khi công ty con sẽ sẵn sàng tuyên bố phá sản khi cần, gây thiệt hại, rủi ro cho bên thứ ba phải gánh chịu.

Lạm dụng tư cách pháp nhân để thực hiện các hoạt động trái pháp luật về thuế, môi trường, thị trường chứng khoán. Thời gian qua, những công ty lớn của nước ngoài hoạt động liên tục báo cáo lỗ mặc dù vào thị trường Việt Nam cả chục năm và vẫn đang không ngừng mở rộng sản xuất. Các công ty đa quốc gia này thường “sẽ thành lập chi nhánh ở các nước để hoạt động. Những chi nhánh hoạt động hiệu quả sẽ chuyển lợi nhuận của mình về công ty mẹ. Như vậy phần thu nhập tạo ra sẽ bị đánh thuế bởi các chính phủ hoặc là ở công ty mẹ hoặc là ở chi nhánh ở nước ngoài”(18). Đây là hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân để “chuyển giá” nhằm trốn nộp thuế ở Việt Nam. Doanh nghiệp chỉ tồn tại như là một vỏ bọc, bức bình phong, một công cụ của chủ sở hữu hoặc người quản lý nhằm thực hiện những hoạt động không minh bạch, vi phạm pháp luật gây tổn hại đến các chủ thể khác.

Mặt khác, những hành vi mượn giấy tờ của nhiều cá nhân để thành lập công ty mới hoặc mua lại công ty đã phá sản, công ty đã tạm dừng hoạt động nhưng vẫn còn mã số thuế tồn tại trên hệ thống với mục đích để mua được hóa đơn tại các chi cục thuế rồi đem... bán khống. Các doanh nghiệp “ma” này hoạt động chỉ để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng, tội phạm mua bán hóa đơn, chứng từ và tội phạm trốn thuế.

Học thuyết “xuyên qua màn che công ty” trong pháp luật

“Xuyên qua màn che công ty” là một học thuyết pháp lý được hình thành trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và liên quan đến các trường hợp “phá hạn” khi áp dụng tính chất trách nhiệm hữu hạn của các thành viên hoặc cổ đông hoặc người quản lý đối với các nghĩa vụ của công ty.

Theo học thuyết này, nếu một công ty: (i) phục vụ mục đích cá nhân của thành viên hoặc cổ đông hoặc người quản lý công ty hoặc (ii) tham gia vào hoạt động lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật, tòa án có thể không chấp nhận tính chất trách nhiệm hữu hạn của công ty với tư cách là một pháp nhân và yêu cầu thành viên hoặc cổ đông hoặc người quản lý có trách nhiệm cá nhân với nghĩa vụ nợ của công ty(19). “Xuyên qua màn che công ty” là cơ chế pháp lý để buộc các chủ sở hữu của công ty phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do công ty gây ra trong một số trường hợp nhất định.

Khi cơ chế xuyên qua màn che công ty được áp dụng, tư cách pháp nhân của công ty cũng như tính chịu trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu công ty sẽ bị loại bỏ, pháp luật yêu cầu trách nhiệm cá nhân của chủ thể đã thực hiện hành vi lạm dụng. Học thuyết xuyên qua màn che pháp nhân hình thành bởi sự lạm dụng tư cách pháp nhân nếu: lạm dụng tư cách pháp nhân không vì lợi ích của pháp nhân mà phục vụ lợi ích của cá nhân hoặc người quản lý; lạm dụng tư cách pháp nhân để thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc vi phạm pháp luật.

Theo quy định hiện hành, một số nguyên tắc của học thuyết “xuyên qua màn che công ty” cũng đã được du nhập và quy định trong pháp luật Việt Nam liên quan đến trách nhiệm cá nhân của thành viên, cổ đông hoặc người quản lý có trách nhiệm vô hạn do hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân của công ty. Nhưng như thế là chưa đủ, chưa bao quát được các hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân trong thực tiễn. Bởi tại Việt Nam, “một số người, nhóm người đã sử dụng mô hình Ponzi với mục đích vụ lợi ngay từ đầu. Việc họ làm trước hết là tìm hiểu cách nào có thể loại bỏ các trách nhiệm hình sự và dân sự của cá nhân họ sau khi đạt được mục đích. Từ đó, họ tìm đến một chủ thể trong quan hệ dân sự được pháp luật tạo ra đó là công ty - một pháp nhân độc lập, một con người pháp lý. Họ lạm dụng thuộc tính pháp nhân của công ty để thực hiện quyền, để nhận tiền, tài sản của người khác và rồi đến khi thấy no đủ họ lạm dụng tính chịu trách nhiệm để tháo chạy an toàn và mang theo tài sản đó, toàn bộ các nghĩa vụ của công ty hoàn toàn tách biệt với cá nhân họ"(20) .

Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu, tiếp nhận đầy đủ học thuyết này vào các quy định pháp luật sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để ngăn ngừa và trừng trị những hành vi lạm dụng tư cách pháp nhân để phục vụ lợi ích cá nhân nhằm xâm hại đến pháp nhân, nhà đầu tư và các chủ thể khác.

(1) Vũ Văn Mẫu (1957), Dân luật khái luận, Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, tr. 367.

(2) http://en.wikipedia.org/wiki/Corporation#citenote-4, ngày 01/10/2021.

(3) Ngô Huy Cương (2013), Giáo trình Luật Thương mại - Phần chung và thương nhân, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.76.

(4) Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về thương mại năm 2001, Hà Nội, Chương 3 Điều 11.

(5) Pierre Pescatore (1960), Nhập môn khoa học pháp luật, Office de Imprimes - trích theo Trịnh Quốc Toản (2011), Trách nhiệm hình sự của pháp nhân theo luật hình sự Luxembourg, Tạp chí khoa học ĐHQGHN- Luật học, (27), tr.19-29.

(6) Jean-Claude Ricci (2002), Nhập môn luật học - Introduction à l tude du droit, Hachette, Nhà pháp luật Việt Pháp, Hà Nội, tr 105-106.

(7) Francis Lemeunier (1993), Nguyên lý và thực hành luật thương mại, luật kinh doanh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.168.

(8) Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung (2008), Công ty: vốn, quản lý và tranh chấp, Nxb Trí Thức, Hà Nội, tr. 65-66.

(9) Nguyễn Ngọc Điện (2010), Chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.221-222.

(10) Điều 80 Bộ luật Dân sự và thương mại Thái Lan (1925), các quyển I - VI theo bản dịch năm 1995 của Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.

(11) Điều 43 Bộ luật Dân sự Nhật Bản (lần sửa đổi 2006).

(12) Khoa Luật-ĐHQGHN (2001), Giáo trình luật kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.47.

(13) Khoa Luật-ĐHQGHN (2001), Giáo trình luật kinh tế Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, tr.46.          

(14) Nguyễn Văn Bình và Lê Thị Tý (1989) (dịch), Tổ chức công ty - Tập 1, Viện Nghiên cứu khoa học pháp lý- Bộ Tư pháp, tr.80-81.

(15) Lương Thanh Quang, Việt Nam cần một án lệ để xuyên phá “bức màn che công ty”, https://thesaigontimes.vn/viet-nam-can-mot-an-le-de-xuyen-pha-buc-man-che-cong-ty/

(16) Vì sao CEO Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng bị bắt vì tội danh lừa đảo, https://thanhnien.vn/vi-sao-ceo-tan-hoang-minh-do-anh-dung-bi-bat-vi-toi-lua-dao-post1445849.html

(17) Điểm b khoản 5 Điều 50 Luật Doanh nghiệp năm 2020.

(18) Bích Diệp (2016), Từ vụ Hồ sơ Panama, lý giải vì sao các “ông lớn” FDI ở Việt Nam không nộp thuế, https://dantri.com.vn/kinh-doanh/tu-vu-ho-so-panama-ly-giai-vi-sao-cac-ong-lon-fdi-o-viet-nam-khong-nop-thue-20160516080827694.html

(19) Trương Nhật Quang (2016), Pháp luật về doanh nghiệp: Các vấn đề pháp lý cơ bản, Nxb Dân trí, Hà Nội, tr.128-129.

(20) Phạm Thị Thoa (2020), Lạm dụng tính pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn của hình thái công ty, https://apolatlegal.com/vi/lam-dung-tinh-phap-nhan-va-trach-nhiem-huu-han-cua-hinh-thai-cong-ty

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN LÂM - Viện Kinh tế và Quản lý, Đại học Bách khoa Hà Nội

Theo lsvn.vn

Thời gian đăng: 25/09/2022 01:37

Nguồn